Mỹ hối thúc các hãng hàng không cấm mang máy ảnh trong hành lý ký gửi

Chính phủ Mỹ đang thúc giục các hãng hàng không trên thế giới có tuyến bay tới Mỹ sẽ chủ động cấm mang camera, laptop và các thiết bị điện tử cỡ lớn khác trong hành lý ký gửi. Động thái trên của Hoa Kỳ nhằm tránh nguy cơ xảy ra hỏa hoạn do cháy nổ pin.

Tờ Chicago Tribune đưa tin, Mỹ đã đệ trình yêu cầu lên Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) thuộc Liên Hợp Quốc. Trước đó, FAA (Cục quản lý hàng không liên bang Mỹ) đã thử nghiệm đặt bộ gia nhiệt gần một chiếc laptop có chứa pin lithium-ion đã sạc đầy. Nhiệt độ gia tăng khiến những viên pin dần nóng lên. Nếu chúng để gần các bình xon khí, sự tương tác nhiệt có thể gây cháy nổ chỉ sau chưa đầy 1 phút tiếp xúc.


Loại pin thường được sử dụng trên các máy ảnh

FAA kết luận: "Nếu một thiết bị điện tử di động được đặt trong va li, trong đó có chứa bình xịt, sự tăng nhiệt có thể xảy ra và dẫn tới cháy nổ. Vụ nổ có thể không đủ gây thiệt hại cho cấu trúc máy bay nhưng sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống chống hỏa hoạn sử dụng khí Halon trong khoang chứa hàng hóa. Thậm chí, tác động từ cháy nổ có thể khiến máy bay mất kiểm soát".

Pin khi tiếp xúc với các sản phẩm được phép mang trong hành lý ký gửi như chất khử trùng tay, chất tẩy móng hay cồn có thể gây ra những vụ cháy lớn.

Theo hãng tin AP, những vụ cháy như vậy có thể tạo ra nhiệt độ lên tới 1100 độ C, gần chạm ngưỡng nóng chảy của vật liệu nhôm cấu tạo máy bay. Cháy nổ do pin đã gây ra 3 vụ va chạm máy bay chở hàng, khiến 4 phi công tử nạn vào năm 2006.

 

FAA cảnh báo nguy cơ cháy nổ từ pin lithium 

Từ kết luận trên, FAA khuyến cáo các hãng hàng không nên cấm mang các thiết bị điện tử lớn như smartphone, máy tính bảng, laptop, camera trong hành lý ký gửi, trừ những trường hợp ngoại lệ. Tất nhiên, hành khách vẫn có thể mang các thiết bị tương tự theo người vào trong cabin.

Một số cơ quan và tổ chức bao gồm Cơ quan An toàn Châu Âu và Airbus đã đồng ý với khuyến nghị trên từ phía FAA.

Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, ICAO sẽ phải trưng cầu ý kiến và nhận được sự chấp thuận từ các thành viên, hãng hàng không trên thế giới. Một lệnh cấm chính thức sẽ được cân nhắc trong phiên họp tiếp theo của ICAO khoảng hai tuần tới. 

Theo Vnreview

Related Articles