Nhiếp ảnh gia Paul Nicklen của kênh National Geographic đã đến thăm quần đảo Baffin ở Canada vào mùa hè vừa qua và anh đã khóc khi nhìn thấy cảnh tượng đau lòng: một con gấu Bắc cực đang đói khát lê bước đi tìm thức ăn trong vô vọng trên vùng đất không còn băng tuyết.
Nicklen đã chụp lại cảnh một con gấu gầy xác xơ đang lê lết đi kiếm ăn trên vùng đất mà lẽ ra trước đây vốn trải đầy băng tuyết, và National Geographic cũng mới xuất bản hình ảnh này.
"Đoạn video cho thấy con gấu bắc cực đang cố bám víu sự sống, bộ lông trắng của nó giờ chỉ bọc lấy một thân xác gầy gò đầy xương," National Geographic viết. Một trong hai chân sau của gấu không còn đi lại được, có thể là do teo cơ. Đang tìm kiếm cái ăn, con gấu lục lọi một thùng rác được dùng theo mùa của người dân Inuit nhưng nó không tìm thấy cái gì có thể ăn được.
Nicklen đã ở trên đảo với các nhà làm phim thuộc nhóm bảo tồn Sea Legacy, nhằm tạo ra những hình ảnh có sức ảnh hưởng cao để thuyết phục mọi người bảo vệ trái đất đang nóng lên.
Mặc dù, anh đã nhìn thấy hơn 3000 con gấu tự nhiên trong quá trình làm việc và hoạt động chụp ảnh động vật hoang dã. Nicklen chưa bao giờ chứng kiến bất cứ cảnh nào như khi gặp con gấu bắc cực đặc biệt này. National Geographic cho biết: "Gấu Bắc cực đang chết dần [...] đây là một trong những cảnh đau lòng nhất mà anh từng nhìn thấy".
"Chúng tôi chỉ biết đứng đó mà khóc với những giọt nước mắt dài lăn xuống má mình", Nicklen nói. Anh cho biết, video này là minh họa cho sự thay đổi khí hậu nghiêm trọng khiến băng đá ngày càng thu hẹp làm cho gấu Bắc cực khó tìm thức ăn.
"Các nhà khoa học đã đưa lời cảnh báo loài gấu trắng đang tuyệt chủng dần, tôi muốn mọi người nhận ra thực tế đang diễn ra như thế nào. Loài gấu trắng đang dần chết đói. Đây là những gì chúng đang phải chịu đựng."
Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới đã báo cáo vào năm 2002 rằng sự thay đổi khí hậu có thể gây ra nguy cơ tuyệt chủng của loài gấu Bắc cực. Năm nay, Ban Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ đã xác nhận rằng băng đá tan chảy đang gây ra một mối đe dọa thường trực cho loài gấu Bắc cực.
Theo NationalGeographic/petapixel